Biến động ở kinh thành Việc_thay_đổi_người_kế_vị_dưới_thời_vua_Thiệu_Trị

Cuối năm 1845, vợ Hồng Bảo sinh được con trai đặt tên là Ưng Phước, nhằm vào ngày khánh tiết Thái hoàng Thái hậu. Chứng kiến sự kiện Ngũ đại đồng đường, vua rất mừng, cho ẵm Ưng Phước vào hầu trong cung Từ Thọ, ban thưởng cho rất nhiều. Khi ấy Tôn nhân phủ và đình thần văn võ đồng thanh chúc mừng, mới sai bộ Lễ nghĩ soạn nghi thức, trước kính cáo các miếu, đến ngày hôm ấy, vua thân đem các quan kính dâng sách vàng, làm lễ tiến tôn. Ngày hôm ấy, trên kỳ đài treo cờ vàng và cờ khánh hỷ các màu[5][6]. Ngày 25 tháng 6 năm 1845, Hồng Bảo lại được đứng đầu các vương công đại thần trong lễ tế Nam Giao, mà bà Tây cung lại đứng về phía ông. Từ đó gần như ngôi Trữ quân đã nằm ở trong tay của Hồng Bảo.

Tuy nhiên biến cố xảy ra khi vua Thiệu Trị đổ bệnh nặng vào ngày 26 tháng 9 năm 1847. Trên giường bệnh, ông không nhìn thấy hoàng tử Hồng Bảo mới sai người đi tìm thì thấy Hồng Bảo đang xem ca múa[7]. Ông thở dài, đòi các quan Trương Đăng Quế, Vũ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Thiếp vào hầu, rồi đuổi hết tả hữu, trăn trối rằng Hồng Bảo là con vợ thứ mà ngu độn ít học không thể nối nghiệp, nên nhường ngôi cho con thứ là Phước Tuy công (tức Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, vua Tự Đức sau này). Các quan đều khóc lạy lãnh mạng[8]. Khi Hồng Bảo được tin, vội chạy đến giường vua khóc rằng

Kim thượng khi mới tức vị đã hứa cho con nối ngôi. Khi ngài ra Bắc tuần thì con lưu lại ở kinh thành, sau lại vâng mệnh đi tế Nam Giao, ai cũng công nhận con là Thái tử. Nay con lỡ phạm tội bất hiếu, xin nhờ ơn trời lượng bể tha cho.

Thiệu Trị đáp rằng

Thiên hạ này là của đức Cao Hoàng, kế đến đức Thánh Tổ truyền lại cho ta. Ta định truyền cho mi, thường khuyên mi tu tỉnh. Thế mà mi cờ bạc, hát xướng. Ta không thể lấy tình riêng mà bỏ tình chung được[7].

Sau đó các quan không để cho Hồng Bảo nói thêm nữa, và đưa ông ta ra hậu cung cấm cố. Ngày 4 tháng 11, Thiệu Trị mất, di chiếu hoàng tử Phước Tuy công nối ngôi ở điện Cần Chánh. Tờ di chiếu được đem cho các tông thân kí tên vào, nhưng Hồng Bảo không chịu kí, phẫn uất thổ huyết hơn một đấu, nằm vật ngã giữa điện đình. Lúc làm lễ đăng quang, mấy người phải đỡ ông dậy. Phạm Thế Lịch chạy đến khuyên can nhiều lần, Hồng Bảo mới chịu kí tên.